TIN TỨC

In offset thì sử dụng những loại bột phun nào?

Nhiều đơn vị cung cấp vật tư cho xưởng in, các nhà in cũng như nhiều nhân viên vận hành máy in thường ít quan tâm đến việc lựa chọn loại bột phun phù hợp, điều chỉnh lưu lượng bột phun như thế nào để đạt hiệu quả tối ưu nhất cho từng loại tài liệu, giấy in khác nhau. Cũng có nhiều người lầm tưởng chỉ có một loại bột phun duy nhất và không rõ được làm từ nguyên liệu gì. Bài viết này giới thiệu về bột phun tuy sử dụng hàng ngày mà chưa được quan tâm đúng mức.  

1. Khái quát về Bột phun khô

Nhiệm vụ của bột phun là tạo ra khoảng cách giữa các tờ in còn ướt, khoảng cách này ngăn chặn hiện tượng bóc tách lớp mực trên mặt tờ in bên dưới dính lên lưng tờ in bên trên ở chồng giấy in ra và cung cấp thêm oxy nhằm đẩy nhanh quá trình khô theo cơ chế oxy hóa. 

 

Căn cứ để đánh giá chất lượng bột phun là kích thước các hạt bột. Trước hết kích thước hạt bột phải đồng đều, nhờ đó mà tạo được khoảng phân cách giữa các tờ in chỉ với một lượng nhỏ bột phun. Khi kích thước đồng đều, mỗi hạt bột sử dụng đều có ích, giảm lượng bụi hình thành ở phần ra giấy. Do tác động làm khô và sự ngưng tụ, bột phun có thể bám vào nhiều vị trí ở phần ra giấy thành từng mảng, khi những mảng tích tụ này rơi xuống có thể gây ra hiện tượng bám từng mảng bột trên mặt tờ in.

Vì vậy nên chỉ nên sử dụng bột phun có những đặc tính tốt: tạo khoảng phân cách đồng đều, lượng tiêu thụ bột là tối thiểu và giảm lượng bụi hình thành.

2. Lựa chọn đúng chủng loại bột phun

• Giấy không tráng phủ hấp thụ mực in nhiều hơn so với giấy có tráng phủ, cũng có nghĩa là cần lượng bột phun ít hơn. Phải đảm bảo sử dụng loại mực in phù hợp với giấy in.

• Bề mặt giấy in thô phải dùng loại bột phun có kích thước hạt lớn.

• Nhiều mực in chồng lên trên lớp mực khác thì cần lượng bột phun nhiều.

• Trong trường hợp in đảo trở thì mặt nào thô hơn sẽ quyết định việc lựa chọn kích thước hạt bột phun.

• Chủng loại bột phun và kích thước hạt phải được lựa chọn theo công dụng của sản phẩm in (dùng làm bao bì thực phẩm, hộp nước hoa,…) cũng như theo các công đoạn thành phẩm tiếp theo (tráng phủ, ghép màng, ép nhũ,…).

• Loại bột nặng (calcium carbonate) dễ bám lên bề mặt tờ in hơn và dễ định hướng hơn so với loại bột nhẹ (tinh bột).

 a. Bột phun làm từ các tinh bột tự nhiên


 

Loại bột phun này được làm từ tinh bột khoai tây, ngũ cốc hoặc gạo. Những loại tinh bột này có đặc tính háu nước. 

Ưu điểm: Bột phun gốc thực vật có hạt hình cầu và cấu trúc hạt mềm, mang lại đặc tính chảy tốt, dễ sử dụng. Ứng dụng phổ biến.

Nhược điểm: Có thể nhiễm tĩnh điện.   

b. Bột phun làm từ Calcium Carbonate


 

Là sản phẩm từ khoáng vô cơ có trong tự nhiên. 

Ưu điểm:

• Trọng lượng hạt nặng, ít hình thành bụi do vậy dễ sử dụng và tiết kiệm.

• Calcium carbonate không tan trong nước và không bị ảnh hưởng bởi độ ẩm hoặc tĩnh điện.

Nhược điểm:

• Calcium carbonate có cấu trúc tinh thể có thể làm trầy mất lớp mực trên mặt tờ in (hiệu ứng tẩy sạch).

• Calcium carbonate có thể làm giảm tuổi thọ của bản in (khi in nhiều lần qua máy).

 c. Bột phun làm từ đường mía


 

Là loại bột phun đặc biệt trong các loại bột phun khác. Bột có tính khô, háu nước, cấu trúc tinh thể nhưng hạt mềm. 

Ưu điểm:

• Sử dụng tốt khi in qua máy nhiều lượt. Bột phun bám rất ít trên tấm cao su, hòa tan vào dung dịch làm ẩm. 

Nhược điểm:

• Không thể dùng khi sấy hồng ngoại do nhạy cảm với nước.

• Phải vệ sinh  và bảo dưỡng thường xuyên thiết bị phun bột do bột bám và làm tắc thiết bị phun bột. 

3. Sử dụng bột phun khi in với chất tráng phủ gốc nước

Dùng loại bột phun có hạt đã được xử lý bề mặt, nhằm tạo đặc tính kháng nước. Loại bột phun này phù hợp với tráng phủ gốc nước inline, đặc biệt phù hợp với các loại giấy có bề mặt nhạy cảm do xu hướng làm trầy mất lớp mực là rất thấp.

Nhược điểm:

• Tạo nhiều bụi ở phần ra giấy.  

• Trong trường hợp phải gia công sau in (tráng phủ, ghép màng…) lượng bột phun nhiều sẽ ảnh hưởng đến vấn đề dính ướt do tính kháng nước của bột phun.

• Phải vệ sinh  và bảo dưỡng thường xuyên thiết bị phun bột do bột bám và làm tắc các vòi phun bột.

• Có khuynh hướng nhiễm tĩnh điện.  

4. Cách kiểm tra đơn giản để biết loại bột phun nào phù hợp khi dùng chất tráng phủ gốc nước

Cho bột phun vào cốc nước

Trái: bột phun háu nước, không thích hợp khi tráng phủ gốc nước inline.

Phải: bột phun không háu nước (kháng nước), thích hợp khi tráng phủ gốc nước inline. 

5. Làm cách nào để giảm lượng bột phun?

• Dùng bột phun chất lượng cao (kích thước hạt đồng đều và có xác định rõ thông số về kích thước hạt).

• Dùng bột phun có kích thước hạt phù hợp.

• Lựa chọn loại bột phun có kích thước hạt to nhất có thể.

• Lựa chọn loại bột phun có trọng lượng hạt lớn nhất có thể (calcium carbonate).

• Thường xuyên bảo dưỡng và canh chỉnh đúng thiết bị phun bột trên máy in.