• slide_1
  • slide_1
  • slide_1
  • slide_1
  • slide_1
  • slide_1
  • slide_1
  • slide_1
  • slide_1
slide_11 slide_11 slide_11 slide_11 slide_11 slide_11 slide_11 slide_11 slide_11

TIN TỨC

CIP4 và những ứng dụng thực tế

CIP4 (International Cooperation For The Integration Of Processes In Prepress, Press And Postpress) là một hiệp hội có nhiệm vụ đưa ra các tiêu chuẩn để trao đổi dữ liệu giữa các công đoạn của ngành in và không phụ thuộc thiết bị. Thành viên của CIP4 ngày nay bao gồm hầu hết các nhà cung cấp thiết bị, giải pháp của ngành công nghiệp in thế giới. Bằng cách đưa ra một tiêu chuẩn chung duy nhất cho việc trao đổi dữ liệu, các thiết bị của các nhà cung cấp khác nhau có thể liên lạc được với nhau thông qua máy tính tạo tiền đề biến quá trình sản xuất in trở thành một quá trình CIM (Computer integrated Manufacturing).

 

CIP4 là gì?

 

Vậy CIP4 là gì và đem lại cho ngành in những ưu thế nào trong quá trình sản xuất. Như trên đã trình bày CIP4 là một tiêu chuẩn của việc trao đổi dữ liệu trong quá trình sản xuất in, việc trao đổi này dựa trên 2 định dạng là JDF (Job Definition Format) và JMF (Job Messaging Format). Tất cả đều được mã hoá bằng ngôn ngữ XML.

JDF được xây dựng như một định dạng mở rộng của các giải pháp đã tồn tại từ trước như CIP3 print production format PPF và Adobe portable Job Ticket Format PJTF, nó cho phép tích hợp các ứng dụng thương mại và quản lý vào các chu trình kỹ thuật của sản xuất in. Với XML thì tính tương thích trên các nền phần cứng khác nhau cũng như việc xây dựng các ứng dụng trên nền internet được bảo đảm.

CIP4 và ứng dụng thực tế tại Việt Nam  2

-JDF có khả năng mô tả một công việc in từ khi có ý tưởng tới khâu hoàn thiện, bao gồm các mô tả chi tiết từ tạo mẫu, chế bản, in, thành phẩm tới giao hàng
– Tạo một cầu nối giữa các ứng dụng quản lý, lập kế hoạch với quá trình sản xuất. Điều này cho phép có những thông tin tức thì về tình hình sản xuất và phục vụ việc tính toán giá thành dự toán cũng như giá thành thực tế trong ngành công nghiệp in.
– Cho phép định nghĩa một cách linh hoạt các chu trình sản xuất trên cơ sở thiết bị hiện có. 
JMF có thể được định nghĩa một cách đơn giản là các thông tin phản hồi hay lệnh thực thi giữa các hệ thống quản trị thông tin MIS và các trung tâm thực thi vd bàn điều khiển máy in hay phần mềm RIP tương thích JDF. JMF là một phần của JDF và cũng được hiện thực bằng XML.

CIP4 hay JDF ngày nay đã trở thành một tiêu chuẩn công nghiệp phục vụ việc tích hợp các thiết bị hay giải pháp trong ngành công nghiệp in. Nó bao gồm tất cả các công đoạn từ quản lý vật tư, khách hàng, lên kế hoạch sản xuất, lập dự toán, tự động hóa quá trình sản xuất in, giao hàng vv. Bản thân CIP4 hay JDF không phải là một thiết bị hay phần mềm mà nó chỉ là một chuẩn giao tiếp. Khi nói máy in của tôi có CIP4 thì đúng hơn nên nói máy in của tôi tương thích với CIP4.

 

Tình hình ứng dụng tại Việt nam

 

Trong những năm vừa qua ngành in Việt nam đã có những bước tiến dài và mạnh mẽ thông qua việc nhập những thiết bị in, chế bản tiên tiến nhất hiện nay. Trong việc nhập khẩu thiết bị thì một phần không thể thiếu là thiết bị này có CIP4 hay không? (tốt hơn là có tương thích CIP4 hay không?).

Hiện nay có khoảng 5 nhà in phía Nam có ứng dụng CIP4 và trong thời gian tới thêm 2 nhà in nữa. Tình hình ứng dụng phía Bắc thì chúng tôi không có thông tin. Việc ứng dụng CIP4 hiện nay cũng còn nhiều vấn đề tồn tại. Như chúng ta đã biết ứng dụng CIP4 hoàn toàn thì chúng ta phải có một hệ thống quản lý thông in MIS, tất cả các thiết bị phải tương thích CIP4 nhưng thực tế cho thấy ở Việt nam chúng ta chỉ có thể áp dụng một phần rất nhỏ của CIP4 là tự động thiết lập các thông số của máy in căn cứ trên các thông tin từ chế bản thông qua định dạng file PPF. Các khái niệm như JDF và JMF vẫn còn xa lạ trong thực tế sản xuất.

Chu trình làm việc với PPF

1. Hệ thống chế bản tạo ra file PPF đúng chuẩn CIP4 song song với quá trình chế bản và chuyển file PPF này tới xưởng in.

2. Tại xưởng in file PPF được đọc bởi một phần mềm chuyên dụng của hãng sản xuất máy in (Vd Prepress Interface của Heidelberg) và chuyển đổi thành các thông tin về độ mở máng mực của máy in tương ứng. Điều này tương tự như máy đọc bản kẽm cho ta các thông số về độ mở máng mực.

Với một chu trình như trên điều chúng ta muốn là rút ngắn quá trình chuẩn bị máy, nhanh nhất đạt được độ phủ mực tiêu chuẩn. Kết quả là tiết kiệm vật tư, thời gian, nâng cao chất lượng.

Trong thực tế người thợ in vẫn phải tiếp tục điều chỉnh những khóa mực trên máy in khi đã nạp các thông số CIP4 lên máy cho công việc tương ứng. Hiệu quả của việc ứng dụng PPF như vậy là không đạt yêu cầu. Việc điều chỉnh các khóa mực thuần tuý dựa vào kinh nghiệm của người thợ in mà không dựa trên bất cứ tiêu chuẩn kỹ thuật nào có thể định lượng được. Vậy câu hỏi được đặt ra là làm cách nào chúng ta chỉ có file PPF từ chế bản mà không cần phải điều chỉnh các khóa mực một cách thủ công? Điều này có khả thi với các trang thiết bị hiện tại hay không?

Tối ưu quá trình thiết lập thông số độ mở máng mực trên máy in offset với file PPF

Phân tích lý do tại sao phải điều chỉnh các khóa mực tuỳ theo các điều kiện thực tế cho thấy : căn cứ trên phần trăm độ phủ của từng khóa mực phần mềm chuyển đổi tính toán ra một giá trị độ mở máng mực và tốc độ lô máng. Độ chính xác phụ thuộc vào nhiều yếu tố như loại mực, giấy được sử dụng cho công việc in cụ thể đó. Các thông tin kèm theo trong file PPF từ chế bản phải có thông tin về chủng loại giấy, loại mực được sử dụng. Khi có những thông tin này quá trình tính toán sẽ cho ra một kết quả tốt hơn rất nhiều. Trong thực tế sử dụng tại Việt nam chúng ta thường bỏ qua yếu tố này và tính toán các giá trị độ mở máng mực bằng các thiết lập mặc định của phần mềm. Kết quả là luôn phải can thiệp thủ công. Như vậy ta thấy file PPF không chỉ đơn thuần là một file tính phần trăm độ phủ bề mặt mà còn phải chứa các thông tin về điều kiện in như loại giấy, loại mực, các đường cong bù trừ tầng thứ khi in. Qua khảo sát tất cả các file PPF được tạo ra bởi các RIP hiện có ở Việt nam chúng tôi thấy duy nhất chỉ có Meta Dimension của Heidelberg là có bao gồm các thông tin này. Trong RIP Meta Dimension người dùng có thể xây dựng thư viện các loại giấy và mực đang sử dụng trong cơ sở in của mình. Thư viện này đồng nhất với thư viện được sử dụng trong máy in Heidelberg có trung tâm điều khiển CP2000
Trong các hệ thống điều khiển máy in offset hiện đại bao giờ cũng có các đường cong biểu thị việc thiết lập độ mở máng mực tuỳ thuộc vào phần trăm độ phủ bề mặt. Có thể có các đồ thị riêng cho giấy có tráng phủ, giấy matt, giấy thường nhưng tất cả các giá trị đó chỉ là những giá trị mặc định và chắc chắn không phù hợp với điều kiện in thực tế tại Việt nam. Nếu muốn các giá trị từ CIP4/PPF chính xác ngay từ đầu thì chúng ta phải thiết lập các đồ thị tương ứng với các điều kiện in cụ thể của chúng ta. Vd In tạp chí, mực Hostmann, giấy couché Indo. Quá trình này được gọi là cân chỉnh máy in. Kết quả của quá trình này là ta có một đồ thị chính xác cho một loại sản phẩm in cụ thể. Mỗi khi loại tạp chí này được in máy in sẽ tự động chọn đúng đồ thị đã được thiết lập căn cứ trên thông tin kèm theo trong file PPF tạo ra từ RIP (Lưu ý cần có một thư viện thống nhất các loại giấy in, mực in tại cơ sở sản xuất).

Điều kiện cần: RIP phải tạo được file PPF có bao gồm các thông tin về giấy và mực. Tại điểm này chúng ta thấy thật sự CIP4 chỉ là một tiêu chuẩn công nghiệp và các hãng khi thực hiện có thể chỉ hiện thực được một phần nhỏ của chuẩn công nghiệp này.

Điều kiện đủ: Máy in phải được cân chỉnh theo một điều kiện in nhất định (Giấy, mực, tốc độ in). Thư viện của máy in phải đồng nhất với thư viện của chế bản và được xây dựng trên thực tế sản xuất.
Khi thực hiện được đủ các điều kiện trên chúng ta sẽ đạt được khả năng khi khởi động máy chạy cho tới khi có cân bằng mực nước là chúng ta có tờ in được phủ mực tốt. Không cần phải có điều chỉnh thủ công. Việc cân chỉnh máy in theo điều kiện in thực chất là thiết lập một đồ thị mới cho mực tuỳ theo loại giấy. Cách tiến hành tương đối phức tạp, chúng tôi sẽ đề cập trong một dịp khác.

Thiết lập các thông số độ mở máng mực chỉ là một phần nhỏ trong khả năng ứng dụng của CIP4 tại Việt nam. Như trên đã trình bày nếu thật sự máy in của chúng ta hay hệ thống chế bản tương thích với JDF thì có rất nhiều điều thú vị có thể đựơc thực hiện như vd sau:

Hệ thống CP2000 điều khiển máy in của Heidelberg có chức năng “Press Reporting”,các nhà quản lý có thể ngồi bất cứ đâu thông qua Web brower truy cập vào hệ thống báo cáo của máy in để biết tình trạng máy hiện tại và các chức năng thống kê. Chức năng trên có được nhờ JDF/JMF. 

Kết luận

CIP4 đã và đang được ứng dụng một cách rộng rãi tại Việt nam và cũng là xu thế phát triển tất yếu của ngành in theo hướng tiêu chuẩn hóa và tự động hóa. Lãnh vực ứng dụng của CIP4 rất rộng, đặc biệt là trong lĩnh vực quản lý sản xuất in. Tại Việt nam chúng ta mới bắt đầu tiếp cận với kỹ thuật này trong một lĩnh vực rất nhỏ là chỉnh mực trên máy in offset bằng các thông tin từ chế bản (File PPF). Ngay trong lĩnh vực này cũng còn nhiều vấn đề cần phải giải quyết.Các thông tin kỹ thuật về CIP4 trên các tạp chí chuyên ngành còn thiếu và sơ lược. Với bài viết nhỏ này chúng tôi muốn đóng góp một phần nhỏ vào việc quảng bá ứng dụng CIP4 trong ngành in Việt nam

 



Thu gọn